Từ lúc công nghệ eSIM xuất hiện thì chỉ có hai thiết bị đại trà được sử dụng công nghệ eSIM đầu tiên là: Apple Watch Series 3 và Pixel 2. Và đến thời điểm hiện tại, Apple đã chính thức công bố thêm iPhone XS và XS Max cũng được sử dụng công nghệ eSIM. Thuật ngữ eSIM xuất hiện ngày một nhiều nên chắc chắn bạn sẽ có thắc mắc eSIM là gì? eSIM được sử dụng như thế nào? thì dưới đây sẽ là lời giải thích đầy đủ nhất cho bạn.
Khái niệm cơ bản: eSIM là gì?
eSIM là một SIM điện tử, sẽ thay thế cho chiếc SIM nhỏ bằng nhựa mà bạn đang sử dụng kèm với các thiết bị di động hiện tại. Khác với công nghệ eSIM là ARM công bố cách đây không lâu nhé! eSIM sẽ liên quan tới cảm biến Internet Vạn Vật – Internet of Things và hiện chưa phải là công nghệ đại trà.
Lợi ích “dễ thấy” nhất của eSIM sẽ là nó vô cùng nhỏ. Nó chỉ bằng một phần của nanoSIM mà các bạn đều biết, nanoSIM tí hon nhường nào. Đây chính là điểm khiến cho eSIM thích hợp với smartwatch, những thiết bị vốn nhỏ gọn, không có chỗ chứa một cái thẻ SIM. Mà đó cũng chính là bản chất tiến hóa của công nghệ: mọi thứ càng ngày càng nhỏ lại, tinh vi hơn.
Bạn không thể tháo được eSIM, bản thân nó sẽ là một phần của thiết bị. Không tháo được, đồng nghĩa với việc thiết bị sẽ không có khe hở để bụi/nước/tạp chất len lỏi vào bên trong phần cứng. Việc chuyển nhà mạng sẽ được thực hiện qua phần mềm hết, và khi eSIM trở thành một phần mặc định của thiết bị di động, cơ sở hạ tầng của nhà mạng sẽ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt hơn nhiều.
Và bắt đầu từ ngày 1/2/2019, Viettel chính thức cung cấp eSIM (Embedded SIM), và miễn phí chuyển đổi dịch vụ từ SIM cũ sang eSIM cho 2019 khách hàng đầu tiên trước khi cung cấp đại trà ra thị trường.
Trong thời gian đầu, Viettel cung cấp eSIM qua hệ thống cửa hàng trực tiếp (mở cửa trong suốt dịp Tết Nguyên đán) và sẽ sớm hỗ trợ việc đăng ký mới hoặc chuyển đổi từ thẻ SIM vật lý sang eSIM trên kênh trực tuyến.
Thay vì phải ra cửa hàng để nhận được thẻ SIM vật lý, tới đây khách hàng Viettel có thể chọn cách đăng ký trực tuyến để nhận được mã QR code chứa thông tin số điện thoại, và kích hoạt thông qua ứng dụng chụp ảnh (hoặc ứng dụng tra mã QR code có sẵn trên máy).
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội cho biết, Viettel đã hợp tác với một số doanh nghiệp lớn để chuẩn bị cung cấp eSIM gắn trên các sản phẩm thiết bị IoT. “Xu hướng sắp tới là các thiết bị IoT sẽ dùng tới eSIM để giảm thiểu ảnh hưởng bởi tác động vật lý. eSIM không cần phải tháo lắp để kích hoạt hoặc chuyển đổi như SIM vật lý nên tối ưu được tính thuận tiện. Trong thời gian tới, eSIM có thể lắp vào chiếc xe điện để giám sát hành trình, chống trộm hiệu quả và kết nối các ứng dụng thông minh”, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Trong nhiều năm nay, các công ty viễn thông và công nghệ vẫn luôn tìm cách thu nhỏ kích thước thẻ SIM nhằm đáp ứng nhu cầu tối ưu thiết bị nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn đồng thời giúp tăng độ bền và khả năng chống nước. Việc cung cấp eSIM sẽ giải quyết được các hạn chế thường xảy ra với dòng SIM vật lý như: hỏng SIM, kẹt khay SIM… qua đó dần thay thế cho nanoSIM trên các thiết bị đời mới như điện thoại Apple iPhone XS.
eSIM có chiều dài và chiều rộng dưới 5mm, được hàn trực tiếp vào bảng mạch của thiết bị khi sản xuất nhưng vẫn có đầy đủ chức năng như thẻ SIM thông thường. Chuẩn này đã được công nhận bởi Hiệp hội GSM và hiện nay đã có 24 nhà mạng thuộc 15 nước trên thế giới hỗ trợ tại Anh, Mỹ, Đức, Hongkong, Thái Lan…
Bên cạnh eSIM, Viettel vẫn luôn nỗ lực đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ viễn thông. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel đã triển khai hơn 100.000 trạm phát sóng BTS (trong đó có 67.000 nghìn trạm phát sóng 3G/4G) đem tới vùng phủ sóng rộng nhất từ thành thị cho tới miền núi, hải đảo. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Viettel cũng cam kết không xảy ra tình trạng nghẽn mạng dù nhu cầu sử dụng 4G dự kiến sẽ tăng đột biến, và đảm bảo hệ thống tổng đài thoại, tổng đài trực tuyến luôn hỗ trợ giải đáp online, xử lý sự cố dịch vụ cho khách hàng 24/7.
Để lại một bình luận